"Triệu phú chổi đót"
Chúng tôi đến cơ sở sản xuất chổi đót Khương Trường của anh Nguyễn Văn Khương, xóm Mỹ Thuận, xã Hải Giang (Hải Hậu) khi các bà, các chị tay đang thoăn thoắt xé đót, buộc chổi, trò chuyện râm ran. Khởi nghiệp từ năm 2007, hiện cơ sở của anh Khương đang tạo việc làm cho 27 lao động trong xã với mức thu nhập từ 1,5-3 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, trừ chi phí cơ sở của anh thu lãi 200-300 triệu đồng.
“Bén duyên” nghề làm chổi đót một cách tình cờ, năm 2007, anh Khương vào chơi nhà người họ hàng ở tỉnh Đồng Nai, trước khi về quê, anh được biếu mấy chục cái chổi đót về làm quà. Xe khách dừng ở Thị trấn Cồn, anh dựng chổi đứng chờ người nhà ra đón thì nhiều người đổ xô vào hỏi mua chổi. Thấy vậy, anh Khương xác định cơ hội làm ăn đã tới. Hai tháng sau, anh cùng với 3 người anh em vào lại Đồng Nai tìm cách học nghề. Vốn ham học hỏi, lại nhanh nhạy nên anh học nghề rất nhanh, chỉ hơn một tháng anh đã nắm bắt được các kỹ thuật làm chổi; từ xé đót, buộc thành đon, đến quấn chổi. Theo anh Khương, khó nhất có lẽ là công đoạn quấn chổi; phải quấn cho cán chổi thật chắc chắn, các mắt chổi đều, lưỡi chổi xòe…; còn các công đoạn khác của nghề làm chổi đót cũng khá đơn giản, dễ làm. Nghề làm chổi đót có thu nhập phù hợp với môi trường nông thôn và có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi của phụ nữ trong xóm ngoài làng. Sau khi tính toán, anh Khương quyết định chọn nghề làm chổi đót để phát triển kinh tế gia đình. Để giải quyết khó khăn về vốn, anh Khương đã vay 300 triệu đồng từ Ngân hàng NN và PTNT huyện để mua nguyên liệu, dụng cụ, mở cơ sở làm chổi đót. Năm đầu tiên, anh nhập về 10 tấn đót nguyên liệu. Tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm trong việc phân loại nguyên liệu nên thời gian đầu anh gặp khó khăn. Theo anh Khương, đót có chất lượng tốt nhất phải là đót của các tỉnh: Lâm Đồng, Đồng Nai… bởi khí hậu nơi đây thích hợp cho cây đót phát triển, đặc biệt mùa thu hoạch đót vào tháng 1, tháng 2 là thời điểm trời nắng, thuận lợi cho việc phơi đót. Ngược lại, các tỉnh miền Bắc đang là mùa xuân, thời tiết ẩm ướt, đót không được nắng, người dân phải sấy nên đót không có mùi thơm, để lâu dễ bị ẩm, mủn bông đót. Ngoài ra, do việc tính toán tiền công chưa khoa học, trả công nhật, năm đầu tiên kinh doanh chổi đót, anh Khương lỗ 50 triệu đồng.

Không nản lòng, anh quyết tâm làm lại. Anh xác định, giải quyết được các vấn đề về nguyên liệu đót sẽ là yếu tố sống còn của nghề làm chổi đót. Vì vậy anh lại cất công đi học hỏi, tìm hiểu đặc tính đót ở nhiều nơi và đã phân biệt được đâu là đót của Phú Thọ, Hòa Bình, đâu là đót của Quảng Ngãi, Huế hay Lâm Đồng. Bây giờ, chỉ cần cầm cái chổi đót lên ngửi, anh đã biết người làm chổi lấy đót của vùng nào. Đót của các tỉnh miền Nam thường có mùi thơm đặc trưng do phơi được nắng, còn với các tỉnh miền Bắc, đót thường có màu xỉn, mùi ẩm mốc. Với chất lượng tốt, giá bán phải chăng nên chổi đót của gia đình anh nhanh chóng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Thời điểm những năm 2008, 2009, giá mỗi chiếc chổi được bán từ 10-12 nghìn đồng, trừ chi phí, năm thứ hai anh lãi khoảng 50 triệu đồng. Từ hiệu quả ban đầu, anh tiếp tục mua thêm nguyên liệu, tuyển thêm lao động và mở rộng quy mô sản xuất. Cuối năm 2009, một sự việc mang tính “bước ngoặt” đến với cơ sở sản xuất chổi đót của anh khi vào một buổi sáng có cô gái trẻ đến nhà, tự giới thiệu quê ở xã Hải Anh đang học đại học tại Hà Nội đến đặt mua vài chục chổi đót mang ra thủ đô bán. Cô sinh viên này sau đó nghĩ ra cách bán chổi đót qua mạng, giới thiệu cụ thể, chi tiết về cơ sở sản xuất chổi của anh. Anh Khương cho biết, nhiều người đọc thấy thông tin quảng cáo đã tìm đến với cơ sở sản xuất của anh, có cả những Cty lớn. Từ khi được giới thiệu trên mạng; trong đó hầu như tuần nào anh cũng nhận được những cuộc điện thoại đặt hàng của khách xa, gần. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chổi đót của cơ sở sản xuất vì vậy cũng mở rộng thêm. Ngoài thị trường “truyền thống” trong huyện, trong tỉnh, hiện nay khách hàng ở các tỉnh, thành phố như Huế, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hà Nội, Lạng Sơn, Thành phố Hồ Chí Minh… cũng tìm đến cơ sở sản xuất. Hiện, mỗi tháng anh Khương nhập 7 tấn đót nguyên liệu, một năm xuất bán từ 15-18 nghìn chiếc chổi với giá bán dao động 20-25 nghìn đồng/chiếc tùy theo từng loại. Cơ sở sản xuất của anh đa dạng các loại chổi khác nhau. Có loại chổi đót thân được làm bằng chính thân bông đót, có loại thân được làm bằng cán nhựa, có loại dùng dây nhựa để quấn chổi, có loại dùng dây thép. Dù làm bằng cán gì, buộc bằng sợi gì, chổi đót của cơ sở sản xuất chổi đót Khương Trường khi cầm đều rất chắc tay, lưỡi chổi xòe, có mùi thơm đặc trưng của đót. Thông thường 1 chiếc chổi đót chỉ có “tuổi thọ” trong khoảng 3 tháng, riêng chổi của anh Khương được khách hàng “phản hồi”, thời gian sử dụng được 5 tháng. Nhận thấy nhu cầu thị trường mấy năm trở lại rất ưa thích chổi rơm, nhất là thị trường miền Bắc, anh Khương cất thêm chổi rơm ở nhiều nơi khác như Ninh Bình, Hà Nam, các xã trong huyện Hải Hậu… về bán. Anh cho biết, “trên thị trường cứ bán được 3 chổi rơm thì mới bán được 1 chổi đót”. Hai năm trở lại đây, mỗi năm anh lấy cất 15 nghìn chổi rơm về bán thêm. Anh Khương chia sẻ: “Vùng nông thôn ở đâu cũng rất sẵn rơm, bỏ đi thì rất phí. Tôi đang thuê thợ về dạy cách làm chổi rơm cho người lao động. Để làm thêm chổi rơm, tôi đã đầu tư mở rộng thêm xưởng, thời gian tới chúng tôi có thể sản xuất được loại chổi này”. Sau gần 7 năm gắn bó với nghề, số lượng chổi đót do cơ sở sản xuất chổi đót Khương Trường làm ra cũng tăng dần theo từng năm, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở địa phương. Đặc biệt, cơ sở sản xuất chổi đót Khương Trường là nơi gắn bó của 3-5 người khuyết tật trong suốt nhiều năm nay, có người làm cho anh ngay từ những ngày anh bắt đầu khởi nghiệp.

Xây dựng thành công thương hiệu “chổi đót Khương Trường” trên thị trường từ hai bàn tay trắng, phải lăn lộn nhiều năm xa quê, làm đủ mọi nghề để kiếm sống, anh Nguyễn Văn Khương hiện là “triệu phú chổi đót”, điển hình cho lớp người trẻ tuổi năng động, dám nghĩ, dám làm, góp phần phát triển ngành nghề tại địa phương./.


Tin liên quan



image

image advertisement

image

image
image
image

image advertisement


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cơ quan chủ quản: Xã Hải Giang
Địa chỉ: UBND xã Hải Giang - huyện Hải Hậu - tỉnh  Định
Điện thoại:    * Email: xahaigiang.hhu@namdinh.gov.vn
Người chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Văn Hà – Chủ tịch UBND xã 
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang